Tôi có thể chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ như thế nào?

Bạn có thể chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ trước khi con bạn chào đời. Dưới đây là một số gợi ý có ích cho bạn. Bạn có thể:

-     Tham gia một lớp học  tiền sản về nuôi con bằng sữa mẹ  (cours prénatal sur l’allaitement).  Các lớp học tiền sản tổ chức bởi CLSC cũng có một phần nói về nuôi con bằng sữa mẹ.

-      Thảo luận việc nuôi con bằng sữa mẹ với bạn bè, với thành viên trong gia đình và với người đã có những trải nghiệm tích cực về việc nuôi con bằng sữa mẹ.

-     Thảo luận việc cho con bú với chồng của bạn. Bạn sẽ có thêm động lực nếu có sự đồng thuận và ủng hộ từ người bạn đời của mình.

-     Xem các video về tư thế đúng khi trẻ bú sữa mẹ, ví dụ ở  site du Dr Newman (bằng tiếng Anh).

-     Đọc các tài liệu về nuôi con bằng sữa mẹ. Bạn có thể tìm ý tưởng từ các nguồn tài liệu tham khảo trong phần tài liệu tham khảo của chúng tôi.

-     Nếu bạn chưa làm các bước trên, hãy yêu cầu được có một người hướng dẫn về cho con bú sữa mẹ (marraine d’allaitement).

-     Chuẩn bị kế hoạch cho con bú bên cạnh kế hoạch sinh nở.  Hãy xem phần kế hoạch cho con bú của chúng tôi (section plan d’allaitement ) để biết các mục được đề xuất để đưa vào kế hoạch của bạn.


Việc con tôi sụt cân ngay sau khi sinh có bình thường không?

Khi mới sinh, dạ dày của bé có kích thước bằng một quả anh đào. Bé chỉ có thể bú một lượng sữa rất nhỏ sau mỗi lần bú. Sữa non là dòng sữa  đầu tiên mà người mẹ có được sau khi sinh bé. Sữa non rất ít nhưng rất giàu chất dinh dưỡng và kháng thể, đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ sơ sinh cho đến khi sữa về trong vài ngày sau đó. Nó cũng là một loại thuốc nhuận tràng, giúp bé nhanh chóng tống khứ phân su đầu tiên của nó ra ngoài. Do đó, trẻ giảm cân một chút sau khi sinh là điều bình thường. Thường trẻ giảm khoảng 5% đến 10% so với trọng lượng khi vừa chào đời.

Chất lỏng được cung cấp cho người mẹ qua đường tĩnh mạch trong khi sinh (ví dụ như gây tê ngoài màng cứng, trong quá trình khởi phát hoặc trong khi sinh mổ) cũng làm tăng một cách giả tạo lượng chất lỏng có trong cơ thể bé mới sinh. Sau đó, bé sẽ loại bỏ lượng nước dư thừa này bằng cách đi tiểu. Điều này có thể làm tăng mức giảm cân ở trẻ sơ sinh.


Khi nào tôi nên cho con tôi khám sau khi xuất viện?

Một hoặc hai ngày sau khi xuất viện, con bạn nên được kiểm tra bởi môt chuyên khoa về nuôi con bằng sữa mẹ. Chuyên gia này có thể là y tá, nữ hộ sinh, nhà tư vấn cho con bú bằng sữa mẹ hoặc bác sĩ. Bé nên được kiểm tra lần hai trong vòng 6 ngày sau khi sinh. Lần kiểm tra thứ hai này nên được thực hiện bởi bác sĩ của bạn.


Khi nào tôi bắt đầu có sữa mẹ và liệu tôi có đủ sữa cho con tôi không?

Trong vài ngày đầu, ngực của bạn sẽ tiết ra một lượng nhỏ sữa, gọi là "sữa non". Sau 3 đến 5 ngày, ngực của bạn sẽ căng đầy hơn và có thể tiết nhiều sữa hơn. Bạn sẽ tiết nhiều sữa hơn nếu con bạn bú thường xuyên và bú tốt. Hầu hết các bà mẹ đều có đủ sữa cho con bú.


Những dấu hiệu nào cho thấy con tôi đang đói?

Con của bạn có thể:

- Di chuyển tròng mắt ngay khi bé bắt đầu thức dậy;

- Thực hiện các chuyển động như là bé đang bú và nút bằng miệng;

- Đưa tay lên miệng;

- Căng người ra và cử động ngày càng nhiều;

- Tạo ra những âm thanh nhỏ.

Bạn nên cho trẻ bú sữa trước khi trẻ khó chịu và quấy khóc.


Làm thế nào để biết con tôi được bú đủ?

Nếu bé ngậm ti tốt (xem câu hỏi tiếp theo) và bạn cho bé bú khi bạn thấy bé có các biểu hiện đòi bú sữa thì coi như bé đã bú đủ. Dưới đây là một số điều bạn có thể quan sát để xác nhận rằng con bạn đã bú đủ.

-  Thái độ của bé :

·  Bé tỉnh táo và năng động khi thức và có vẻ vui và hài lòng sau khi bú.

·  Bé bú ít nhất 8 lần trong 24 giờ.

-       Cân nặng của bé:

·  Bé chỉ giảm từ 5% đến 10% trọng lượng sơ sinh trong 5 ngày đầu tiên.

·  Bé bắt đầu tăng cân vào ngày thứ 5 và lấy lại cân nặng như lúc mới  sinh vào cuối tuần thứ 2.

·  Bé tăng khoảng 140 g (5 oz) mỗi tuần sau tuần đầu tiên.

-        Phân và nước tiểu:

·   Phân của bé có màu đen trong vài ngày đầu, sau đó chuyển sang màu vàng và mềm trong vòng 5 ngày đầu.

·  Bé đi tiêu ít nhất 3 lần mỗi ngày từ ngày thứ 3 cho đến khoảng 6 tuần.

·   Từ ngày thứ 5, bé làm ướt ít nhất 6 chiếc tã trong mỗi 24 giờ.

·  Nước tiểu của bé không màu hoặc vàng nhạt.


Làm cách nào để biết con tôi ngậm ti tốt?

Bạn có thể xem các video hướng dẫn về cách trẻ ngậm ti tốt, chẳng hạn như các video trên trang web Dr Newman.

Dưới đây là một số dấu hiệu cần lưu ý để biết con của bạn có tư thế bú tốt hay chưa:

-     Mặt, thân mình và đầu gối của bé hướng về phía bạn.

-      Cằm của trẻ áp sát vào vú bạn.

-      Mũi và má của bé chạm nhẹ vào vú bạn,

-     Miệng của trẻ mở rộng và một phần lớn quầng vú của bạn nằm trong miệng của trẻ, chứ không chỉ núm vú của bạn.

-      Lưỡi của bé nằm trên đường viền nướu dưới và môi của bé hướng ra ngoài.

-     Bạn nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng trẻ nuốt.

-      Sau khi uống, núm vú của bạn có thể dài ra nhưng không bị nhão hay bẹp.

-     Bạn không cảm thấy đau, hoặc bạn chỉ cảm thấy đau khi trẻ bắt đầu bú.

Nếu bạn nghi ngờ rằng bé của bạn không có tư thế bú đúng, bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ! Hãy gọi cho người hướng dẫn cho con bú để xin gợi ý, hoặc đến một phòng khám dành cho việc nuôi con bằng sữa mẹ tại CLSC.


Sự lớn nhanh là gì?

Vào những thời điểm nhất định, em bé lớn nhanh và cần bú mẹ thường xuyên hơn. Các đợt lớn nhanh này xảy ra khoảng 3 tuần, 6 tuần, 3 tháng và 6 tháng. Chúng kéo dài vài ngày. Ngực của bạn sẽ sản xuất đủ sữa cho trẻ trong những đợt bé lớn nhanh, ngay cả khi bạn có cảm giác là chúng trống rỗng.


Thời điểm háu bú là gì?

Thời điểm háu bú là thời điểm mà một đứa trẻ, thông thường chỉ đòi bú vài giờ một lần nhưng giờ lại đòi bú nhiều lần liên tiếp và hầu như không ngừng đòi bú. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng phổ biến hơn là vào buổi tối và ở trẻ mới sinh. Nó cũng phổ biến ở những trẻ đang trong giai đoạn lớn nhanh. Việc này không phải là dấu hiệu cho thấy bạn không có đủ sữa. Ngược lại, nó sẽ giúp bạn có sữa nhiều hơn để đáp ứng với nhu cầu của bé đang lớn. Các cữ bú này có thể kéo dài từ 1 giờ đến 4 giờ.


Bé bị trớ (ọc sữa) có bình thường không?

Trẻ sơ sinh thường bị ọc sữa hoặc ợ hơi sau khi bú. Điều này sẽ không thành vấn đề nếu con bạn có dấu hiệu đã bú đủ (xem phần "Làm cách nào để biết con tôi được bú đủ?" ở trên). Đa số trẻ sẽ ít ọc sữa hơn từ khoảng 4 đến 6 tháng tuổi.


Tôi nên cho con bú trong bao lâu?

Đây là một sự lựa chọn mang tính cá nhân. Hiệp hội Nhi khoa và Y tế Canada khuyến khích các bà mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu.  Sau đó có thể tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ kèm theo các loại sữa khác và/hoặc thức ăn dặm cho đến hai tuổi hoặc hơn. Nhiều bà mẹ lựa chọn cho con bú trong một thời gian dài hơn. Không có độ tuổi hoặc thời điểm nhất định nào cần phải dừng lại. Ví dụ, bạn có thể tiếp tục cho con bú khi trở lại làm việc. Nếu bạn chọn không xác định khi nào sẽ cai sữa cho trẻ, thì trẻ sẽ dần dần tự làm điều này khi chúng đã sẵn sàng, thường là từ 2 đến 5 tuổi.


Tôi có nên cho bé uống các vitamin không?

Hiệp hội Nhi khoa Canada  khuyến cáo rằng nên cho trẻ nhỏ bú sữa mẹ uống vitamin D. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc này.


Nếu tôi đang uống thuốc hoặc đang bị bệnh thì việc cho con bú có an toàn không?

Trong hầu hết các trường hợp, việc tiếp tục cho con bú là an toàn. Hãy liên hệ với Mother Risk theo số 1-877-327-4636, hoặc hỏi người hướng dẫn về cho con bú sữa mẹ! Người này có thể giúp bạn có được những thông tin xác thực với tình trạng của bạn.


Tôi nên ăn gì trong thời gian cho con bú và có những loại thực phẩm nào tôi nên tránh?

Bạn có thể ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau và tuân theo Hướng dẫn về Thực phẩm của chính phủ Canada (Guide alimentaire canadien). Bạn có thề uống khi bạn khát. Không có thức ăn nào bạn phải tránh. Một số loại thực phẩm đôi khi có thể gây hại cho trẻ nếu trẻ bị dị ứng hoặc không dung nạp, nhưng điều này không thường xuyên xảy ra. Cho dù chế độ ăn uống của bạn có tối ưu hay không, sữa mà bạn tạo ra sẽ có chất lượng đáp ứng các nhu cầu của bé.


Tôi có thể tìm sự trợ giúp về nuôi con bằng sữa mẹ ở đâu?

Bạn có thể liên hệ với chúng tôi bất cứ lúc nào để có một người đỡ đầu:

514-418-2288, poste 0

accompagnement@lamereaboire.org

info@lamereaboire.org

http://facebook.com/lamereaboire

https://ibconline.ca/multilanguagebreastfeedinghelp/